Sử ký FPT: Quê hương thứ hai

Trước giờ trong cuộc sống, tôi vẫn tin vào hai chữ “cơ duyên”. Những con người ta gặp gỡ và quen biết, những mảnh đất ta đi qua và ở lại, những công việc ta trải qua và gắn bó, đều được cỗ máy tạo hóa sắp xếp bởi chữ “duyên”.


Thứ hai, 30/7/2018 | 15:24 GMT+7

Tại sao đã duyệt bài Sử ký nhưng không thấy trên trang WikiFPT / Nhà Hệ thống tiếp tục chiếm trọn Top 3 bình chọn tuần Sử ký FPT

Mỗi con người, mảnh đất, câu chuyện như những miếng ghép hình trôi nổi trong dòng đời, những miếng ghép va chạm với nhau, nếu gặp miếng ghép thích hợp, chúng sẽ liên kết lại với nhau, một cách kỳ lạ - đó chính là cơ duyên.

Cơ duyên của tôi với Quảng Ninh được khởi đầu hơi “nhạy cảm” một chút. Bữa đó là cuối năm 2011, tôi, anh Phạm Anh Chiến, lúc đó là TGĐ FPT IS SOFT, anh Bùi Hải Thanh, thời điểm đấy là Phó TGĐ FPT IS Bank) và Nhân “già” được anh Đỗ Cao Bảo “triệu tập” xuống Quảng Ninh để làm việc về Chính quyền Điện tử. Đoàn đi làm 02 xe, anh Thanh cùng anh Chiến được đặc cách đi xe của anh Bảo - chiếc xe ấy tôi ví von là “chuyên cơ mặt đất” vì sự đẳng cấp của nó, còn tôi và Nhân “già” đi xe Jolie của công ty, chiếc xe cũng già như biệt danh Nhân “già”.       

“Chuyên cơ mặt đất” đến nơi rất lâu rồi còn Jolie “già” mãi gần trưa mới đến, một phần vì độ “già” của xe và một phần là không ai biết đường nên cứ vừa đi vừa hỏi. Tôi cứ nghĩ là tới nơi sẽ có thời gian qua khách sạn để hành lý và thay đồ, nên khi đi tôi mặc “bụi bặm” cho thoải mái, ai dè xe tới trễ nên đến nơi là làm việc luôn, đâm ra tôi phải thay đồ ngay trên xe. Trong khi tôi xoay sở chật vật thay đồ ở băng ghế sau, người qua đường trong đó có một đoàn các cháu học sinh đi qua, thấy chiếc xe đỗ ven đường đều bất giác ngó vào nhìn một cái làm tôi giật mình thon thót.   

Sau bữa đó, tôi được biệt phái ở lại Quảng Ninh, cùng xây dựng đề án chính quyền điện tử. Tôi được bố trí ở luôn tại nhà khách của tỉnh trên một ngọn đồi. Hồi đó, với đa số người miền Nam như tôi, vùng đất Quảng Ninh - Hải Phòng thường được gắn với những huyền thoại về giang hồ, những ông trùm đất mỏ, đất cảng với những vụ thanh toán, sát phạt nhan nhản trên các trang báo An ninh. Tôi lo lắm, thời gian đầu không dám đi đâu xa.

1-4636-1531279463-8218-1531710415.jpg

Giao thông bị tê liệt, Quảng Ninh phải dùng xe lội nước đặc chủng để ứng cứu.

Vấn đề đầu tiên, thường gặp nhất của các anh em đi onsite là ăn uống. Khẩu vị tôi khá dễ, không kiêng cữ gì nhiều nên ăn uống thoải mái. Tuy nhiên, do thời kỳ đầu còn chưa quen biết nhiều, lại không dám đi đâu xa, mà khu liên cơ quan của tỉnh vừa khánh thành chưa lâu, nên các dịch vụ ăn uống còn khá sơ sài. Thêm nữa Quảng Ninh là địa phương du lịch với các điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Yên Tử… ở đây người dân có thu nhập tốt nên có đời sống rất cao dẫn đến vật giá trong sinh hoạt hàng ngày rất cao.

Mấy ngày đầu chỉ tiêu công tác phí trong một ngày không đủ ăn trong một bữa, thời đó công tác phí một ngày ở Quảng Ninh chỉ có 100.000 đồng. Một ngày ăn trung bình một người từ 150.000-200.000 đồng. Ăn sáng một bánh đa cua ở vỉa hè cũng đã 40.000 đồng, một cốc café 25.000 đồng. Vì thế, để có thể tồn tại một cách lâu dài hoàn thành nhiệm vụ công ty giao phó cũng là một trong những vấn đề đau đầu mà anh em onsite chúng tôi phải tính toán suy nghĩ. Sau này, tỉnh xây dựng khu nhà khách mới trong khuôn viên liên cơ quan và có tổ chức cung cấp cơm trưa công nghiệp có trợ giá (mỗi suất từ 20.000-30.000 đồng) cho các cán bộ công chức làm việc tại đây. Nên bữa trưa tôi ăn luôn ở đây, ngon, rẻ, đảm bảo mà lại có cơ hội làm quen, tiếp xúc nhiều hơn với các anh em cán bộ làm việc tại đó. Tôi chỉ còn lo bữa tối bởi buổi tối thì căng tin đóng cửa.

Dần già ở lâu hơn, tôi quen biết và thân với nhiều anh em ở các đơn vị. Mọi người quý tôi, nghĩ việc tôi xa nhà, sợ tôi buồn nên thường bảo nhau tới phòng tôi ở nhà khách chơi. Lúc đầu chỉ là mấy anh em bên ban quản lý dự án, bên các Sở qua ngồi nói chuyện uống nước, sau thân hơn, anh em tới chơi, mang theo đồ ăn, thêm tí bia để cùng ngồi lai rai. Tính tôi tỉ mỉ, không luộm thuộm, phòng ốc gọn ghẽ, thơm tho. Sáng sáng tôi tranh thủ mua ít hoa quả về để sẵn trong phòng nên anh em thích lắm. Đầu tiên là tới cho tôi đỡ buồn, sau này hóa ra phòng tôi lại là nơi tụ tập vui vẻ của anh em. Chúng tôi ăn uống, kể chuyện, tâm sự, cùng nhau hát hò. Tôi vỗ tay khi theo nhịp điệu khỏe khoắn của bài ca người thợ mỏ, anh em ngả nghiêng nhịp bát đũa khi nghe tôi ca vọng cổ 6 câu. Hóa ra người Quảng Ninh thân thiện, dễ mến và nghĩa khí.

Cứ thế, với các anh em tôi như người thân ruột thịt trong nhà vậy, không câu nệ, khách sáo như thời gian đầu nữa. Năm đó, vào cuối tháng 7 năm 2015, Quảng Ninh có trận mưa lớn lịch sử, qua báo đài cho biết tổng lượng mưa đo được tại một số điểm ở Quảng Ninh lên đến 2.200mm, là trận mưa lớn nhất trong vòng 55 năm qua, phá vỡ hàng loạt kỷ lục. Lúc đó, tôi ở nhà khách nhìn ra, xung quanh bốn bề mưa trắng xóa bầu trời, đang lo lắng không biết có ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, nhất là Data center của Tỉnh và cũng hơi lo về việc ăn uống của bản thân trong những ngày mưa lũ. Đang suy nghĩ thì điện thoại reo lên, liếc nhìn đồng hồ lúc đó là 7h sáng, anh lãnh đạo Sở chuyên ngành gọi điện cho tôi nhờ chạy qua nhà anh cùng chống lụt.

Nhận được tin, tôi vội lội mưa chạy ra cổng, cảnh tượng thực tế làm tôi hết sức bàng hoàng, đất cát từ trên núi sau lưng nhà khách tỉnh đã bị nước cuối trôi xuống và tấp vào thành một cái đồi cao gần 10 mét, chia cắt quốc lộ 18. Thế là xác định không thể kêu taxi đi qua nhà anh được, tôi vội nghĩ ra đi qua nhà anh em đội dự án đang thuê để mượn xe máy (vì từ nhà khách tỉnh đến nhà anh khá xa). Đoạn đường từ nhà khách đến nhà đội dự án tầm 3km, bình thường có thể đi trong vòng 20-25 phút, nhưng hôm ấy tôi đã đi đến hơn 1h30 phút, vì xung quanh mênh mông là nước, vì đi vừa dò dẫm đường, tôi sợ nhất đang đi bị rớt xuống hố ga hay cái cống nào đấy thì xong. Vì mưa lớn nên cắt điện, mà cửa cuốn nhà để xe lại chạy điện nên tôi không tài nào mở được cửa để lấy xe, may gọi được bác chủ nhà để mượn xe chạy qua chỗ anh.

Tới nơi tôi cùng gia đình anh lục đục khuân đồ đạc lên nơi cao hơn để tránh nước. Ở TP HCM tôi không lạ gì với triều cường lên xuống, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự cuồng nộ của thiên nhiên. Mưa xối xả trắng mờ bốn phía, chúng tôi vừa chuyền tay nhau đồ đạc mang lên tầng cao hơn, tai vừa lắng nghe cập nhật tình hình thời tiết, mắt vừa để ý dòng nước xiết cuốn theo bụi than và bùn đặc quánh đang từ từ dâng lên. Năm đó mưa lớn kéo dài, nhiều đồi núi ở Quảng Ninh sạt lở nặng, một số đê có nguy cơ vỡ nên chúng tôi chạy lụt với tinh thần khẩn trương nhất có thể. Sau khi xong xuôi, chúng tôi mệt nhoài, quần áo ướt sũng nước mưa quện với mồ hôi, chân tay đen nhẻm bởi hỗn hợp bùn và than. Mệt không nói thành lời, chúng tôi chỉ nhìn nhau mỉm cười.

Mưa lạnh, gió rít nhưng lúc đó trong lòng tôi dấy lên một cảm giác ấm áp lạ thường và cũng nhân tiện như vậy tôi kiếm ít lương thực là những gói mì tôm, cái bánh chưng ít trái cây, để giải quyết chuyện ăn uống trong những ngày mưa bão ấy tại nhà khách và khu vực xung quanh không có hàng quán nào mở cửa.

Trong những năm đầu, tôi dành phần lớn thời gian ở Quảng Ninh. Một năm 12 tháng có khi tôi ở Quảng Ninh hơn 10 tháng. Những giai đoạn dự án căng thẳng, tôi làm việc gần như 18 tiếng một ngày, có khi tối muộn tôi vẫn chạy đi họp với các anh bên tỉnh, bên sở. Nhưng có những giai đoạn dự án trùng xuống, đấy là thời gian tôi phải đối mặt, vật vã với nỗi nhớ nhà. Ngày làm việc, nhà khách tỉnh đông người qua lại, ăn uống, làm việc, nhưng những ngày nghỉ thì chỉ còn mình tôi với căn nhà khách 6 tầng rộng lớn với gần 100 phòng. Giữa những không gian tĩnh lặng với những hành lang dài hun hút. Tựa ban công phóng mắt ra xa, nhìn vịnh Hạ Long rộng lớn tôi thấy lòng mình trống trải ghê gớm.

Tôi chạy trốn sự cô đơn 2 ngày cuối tuần bằng cách thức thật khuya ngày thứ Bảy, rồi ngủ vùi tới tận trưa ngày Chủ nhật. Tối thứ Bảy, tôi tản bộ dọc bờ biển cho tới khi mệt nhoài. Ngồi bên ly cà phê, ngắm từng đợt sóng nhỏ lăn tăn vỗ vào bờ, tôi thấy mình giống như bờ cát kia. Tôi ở đây, đón những đoàn anh em FPT IS SOFT HCM onsite đến và đi, khi đến thì ồn ào mang theo không khí quê nhà, lúc đi để lại bờ cát là tôi nỗi nhà da diết.

3-5908-1531279463-4229-1531710415.jpg

Những đoàn onsite từ miền Nam luôn mang cho tôi chút ấm áp quê nhà.

Đôi lúc tôi tự hỏi, mình như thế này vì cái gì? Mẹ tôi tai nạn ngã gãy tay đúng giai đoạn chuẩn bị hợp đồng, tôi không thể về ngay bên mẹ. Con ốm, tôi cũng chỉ biết động viên con qua điện thoại, giọng tôi nghẹn đi, miệng đắng ngắt nuốt nước mắt vì thương con. Tôi hy sinh những thứ đó vì một dự án ở một thành phố, cho những người dân cách xa nhà tôi cả nghìn cây số liệu có đáng không? Tôi mải miết bơi trong những dòng suy nghĩ tìm lời giải cho chính mình trong suốt giai đoạn khó khăn đó.

Sau gần 7 năm làm việc ở Quảng Ninh, tôi chứng kiến một Quảng Ninh với những thế mạnh của mình, với một chiến lược định hướng đúng đắng đã có tốc độ phát triển vũ bão.

Quảng Ninh hiện nay đã có cảng hàng không, gần 100km đường cao tốc, các trụ sở liên cơ quan của tỉnh, địa phương và 36 dự án đầu tư khác đang được triển khai. Quý III/2018, hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của Quảng Ninh sẽ hoàn thành, như: Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, khu kinh tế Vân Đồn. Cộng với khoảng 100.000 tỷ đồng của các tập đoàn như: Sun Group, Vingroup, FLC đổ vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, đang tạo ra bước đà tăng trưởng kinh tế theo hướng chuyển dịch sang phát triển dịch vụ du lịch bền vững.

Thực tế đã chứng minh, Quảng Ninh đã rất sáng suốt khi biết chọn điểm chốt đột phá để khơi thông nguồn lực. Đó là, để phá thế “độc đạo” than- đất, tỉnh đã chủ động thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, đưa dịch vụ là ngành kinh tế chủ đạo trong chiến lược phát triển. Sau 5 năm kiên trì thực hiện mục tiêu lấy du lịch, dịch vụ làm trọng tâm phát triển, Quảng Ninh đã giảm được tỷ lệ thu ngân sách nhà nước từ than và đất từ 67% năm 2011 xuống 47% năm 2016; giảm cơ cấu công nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ.

4-9386-1531279464-3448-1531710415.jpg

Với những thành tích ấn tượng đó, Quảng Ninh trở thành một trong 5 địa phương có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước và cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (năm 2017). Thành tích này có sự đóp góp rất lớn của hệ thống Chính quyền điện tử mà FPT chúng tôi cùng tỉnh xây dựng. Khi cuộc cách mạng 4.0 đang dần lan tỏa vào cuộc sống, Quảng Ninh cũng là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng đề án Thành phố Thông minh, mang những thành tựu công nghệ để phục vụ người dân tốt hơn. Mỗi khi nghĩ tới việc mình là một trong những người tham gia viết lên câu chuyện thần kỳ đó, tôi lại không giấu nổi niềm tự hào.

Khi công việc đã vào guồng, tôi ít phải xuống Quảng Ninh hơn. Lúc này, những câu hỏi thắc mắc ngày trước trong tôi mới phần nào được giải đáp. Tôi ngồi trên xe từ sân bay Cát Bi xuống Quảng Ninh, khi qua cầu Đá Bạc - ranh giới giữa Hải Phòng với Quảng Ninh, tự nhiên trong tôi trỗi lên một cảm giác khó tả. Vừa thấy an toàn, vừa thấy gần gũi, lại vừa thân thuộc - như mình đang trở về nhà vậy. Cơ duyên đã đẩy tôi vượt 2.000 cây số để gắn bó với nơi đây, gắn bó với quê hương thứ 2 của mình. Đứng trên cầu Bãi Cháy, cây cầu nối liền 2 đỉnh núi, ngắm vịnh Hạ Long và cuộc sống nhộn nhịp đang đổi thay từng ngày, tôi bật cười với ý nghĩ chợt thoảng qua, phải chăng tôi chính là cây cầu nối liền 2 quê hương của mình?

"Quê hương thứ hai" là bài viết dự thi viết Sử kỳ FPT 30 năm - Mở lối tiên phong.

Xem thêm các bài Sử ký khác tại http://wikifpt.com.vn.

Nguyễn Duy Phước