Anh Trương Gia Bình: FPT muốn tiên phong trong cách mạng 4.0
30 năm tới, FPT vẫn muốn là người đi đầu, nhất là ở 3 lĩnh vực, công nghiệp ôtô, Internet công nghiệp và trí tuệ nhân tạo.
Chiều qua (5/4), Công ty cổ phần FPT (mã CK: FPT) tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Đây cũng là năm FPT kỷ niệm 30 năm thành lập. Do đó, trọng tâm bài chia sẻ gần nửa tiếng của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT - với cổ đông chính là những gì đã làm được và triển vọng cho 30 năm tiếp theo.
"FPT đã bước vào năm tuổi thứ 30. Nếu để chọn ra một từ hợp lý nhất cho quãng đường vừa qua, đó sẽ là từ tiên phong", ông Trương Gia Bình nói.
Trong phần chia sẻ, ông Trương Gia Bình không dưới 3 lần nhắc đến từ "tiên phong" bởi giờ đây, theo ông Bình, mục tiêu cho 30 năm tiếp theo cũng vẫn như vậy.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ với các cổ đông tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2018 hôm 5/4. |
"Đi tiên phong có nghĩa là đi trên con đường mà chưa có ai đi, và chúng tôi đã làm được điều đó", Chủ tịch Trương Gia Bình nói với các cổ đông.
Từ những năm 90 trong bối cảnh cấm vận, FPT đã quyết định đi vào ngành công nghệ thông tin. Khi đó, tập đoàn nhận viết phần mềm hệ thống cho Vietnam Airlines rồi sau đó tới các ngân hàng, bao gồm cả các nhà băng nước ngoài tại Việt Nam. Đến năm 1996, khi Việt Nam còn đang giải quyết bài toán khó về Internet, FPT đã phát triển mạng Trí tuệ Việt Nam. VnExpress - tờ báo điện tử đầu tiên ra đời năm 2001, lúc số lượng người dùng Internet mới chỉ có 50.000 người. 6 năm sau, VnExpress đã trở thành website đứng thứ 70 thế giới. "Đây đều là những con số mà chúng tôi vẫn rất xúc động mỗi khi nhắc lại", ông Bình kể.
Đó là những số liệu, mốc thời gian minh chứng cho 30 năm lịch sử của FPT, còn với định hướng cho 30 năm tiếp theo, câu chuyện được Chủ tịch FPT nhắc tới là phải tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để làm rõ định hướng này, người đứng đầu FPT đã lựa chọn kể 3 câu chuyện về công nghiệp ôtô, sản xuất thông minh và trí tuệ nhân tạo.
"Tại sao tôi lại xếp ngành ôtô ở vị trí đầu tiên, thật kỳ lạ, nó lại là ngành đi nhanh nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", ông giải thích.
"Ôtô là ngành tinh vi về cơ khí, nhưng tương lai đến 90% ngành này sẽ là phần mềm, đó sẽ là những xu hướng như xe điện, xe tự hành và kết nối vạn vật (IoT)", ông Bình nói và cho biết FPT sẽ nỗ lực bằng mọi cách để xâm nhập được vào xu hướng này của ngành ôtô. "Ở FPT chúng tôi đã có xe tự hành, xe đã chạy và sẽ được nâng cấp liên tục trong thời gian tới. Tôi hy vọng một ngày nào đó, FPT sẽ có một vị trí đặc biệt trong ngành ôtô".
Ông Bình cho biết, thường các đơn vị cung cấp phần mềm phải tự đi tìm "khách" thì nay, ông tự hào khi có một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất ôtô của Nhật tự tìm đến FPT để phát triển phần mềm. Rồi một hãng ôtô lớn của Đức cũng mới nói với FPT rằng "chúng tôi cần bạn".
"Thậm chí, có một hợp đồng đối tác đề nghị ký kết với quy mô lớn ngay từ đầu, chính FPT phải đề xuất ngược lại, yêu cầu họ triển khai một phần nhỏ trước", ông Bình nói.
Câu chuyện thứ hai được Chủ tịch FPT nhắc đến là sản xuất thông minh với nền tảng là Internet công nghiệp. "FPT đã được lựa chọn là đối tác khu vực của GE, Đại học FPT cũng là trường đầu tiên đào tạo về Internet công nghiệp. Và tham vọng của FPT là đưa Việt Nam trở thành một thế lực trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực này", ông Bình nhấn mạnh.
Dầu khí cũng là lĩnh vực có thể áp dụng chuyển đổi số. Thực tế, FPT đã ký kết với một doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam để ứng dụng sản xuất thông minh. Theo ông Bình, một giàn khoan trung bình tạo ra 60 triệu USD mỗi ngày, với quy mô lớn như vậy chỉ cần tiết kiệm 1% chi phí, hiệu quả thu về sẽ rất đáng kể.
Câu chuyện thứ 3 để nói về định hướng 30 năm tới của FPT là trí tuệ nhân tạo. "Cách mạng 4.0 sẽ không làm được nếu không có trí tuệ nhân tạo, chính điều này sẽ biến thế giới thành thế giới số. Nhưng thách thức đối với FPT là làm sao để đi vào trung tâm của sự thay đổi", Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ.
Với trí tuệ nhân tạo, FPT là một trong những cái tên tiên phong trong việc xây dựng platform, điều mà trước đây chỉ dành cho những người dẫn đầu.
Ông Bình kể, một hãng viễn thông lớn thứ hai của Singapore muốn giảm trung tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng từ 2.000 xuống còn 400 nhân viên. Có 4 đơn vị được lựa chọn, bao gồm IBM, Microsoft, Facebook và FPT. Tuy nhiên 3 đối tác kia không đồng ý đưa phần mềm của họ lên máy móc của hãng viễn thông mà yêu cầu các dữ liệu phải lên cơ sở lưu trữ đám mây (cloud) của họ. "Duy có FPT đồng ý làm theo yêu cầu này", ông Bình nói.
Hệ thống platform của FPT hiện nhận được hàng triệu yêu cầu với hơn 4.000 lập trình viên và trên 1.000 ứng dụng. "Chúng tôi đang song hành với những người khổng lồ", Chủ tịch FPT nói và cho biết khoảng cách của FPT với những công ty công nghệ hàng đầu có thể chỉ còn vài phần trăm chênh lệch.
Để chốt lại phần chia sẻ về định hướng của FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đã đưa ra những con số cho mục tiêu chuyển đổi số thời gian tới. Từ mức doanh thu 100 triệu USD vào năm 2017, với tốc độ tăng trưởng năm vừa qua là 50%, FPT kỳ vọng doanh thu của lĩnh vực này sẽ đạt 1 tỷ USD 5 năm tới và chiếm 43% tổng doanh thu.
"Cái mà chúng tôi quyết định là dồn nguồn lực để tạo sự khác biệt với các tập đoàn Ấn Độ. Họ đã chọn con đường outsourcing truyền thống. Còn FPT, chúng tôi muốn tiếp tục là người tiên phong trong chuyển đổi số", Chủ tịch FPT kết luận.
Theo VnExpress