FPT - kẻ đi ngược quy luật 'Ai chẳng sợ sai'
Với hơn 32.000 nhân viên, có mặt ở 33 quốc gia trên toàn thế giới, FPT là một điểm sáng của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Thế nhưng ít ai biết rằng, phía sau sự thành công đó là tinh thần vượt qua mọi thử thách, khó khăn với tâm niệm “không sợ sai” của những người FPT mở lối tiên phong.
Canh bạc lớn mang tên Xuất khẩu phần mềm: 1 triệu USD và 0 kinh nghiệm
Cho đến bây giờ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - vẫn nhớ như in chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên cùng phái đoàn Bộ KHCN và Môi trường vào năm 1998. Trong chuyến thăm đó, ông đã “giác ngộ” được một điều quý giá dẫn đến chiến lược Xuất khẩu phầm mềm, sau này trở thành một thành tựu quan trọng trong lịch sử FPT nói riêng và nền công nghệ Việt nói chung: FPT cần gia công phần mềm cho thị trường Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Ngay khi trở về từ chuyến đi đó, ông Bình và các cộng sự đã “liều lĩnh” quyết định làm xuất khẩu phần mềm khi thương hiệu không, nguồn lực yếu, mối quan hệ hạn hẹp, kinh nghiệm quốc tế ít ỏi…
Những năm đầu, mỗi bước tiến ra “toàn cầu” của FPT đều là “lần mò” và hy vọng. Dù là lần đầu tiên xuất quân ra nước ngoài nhưng FPT sẵn sàng chi số tiền không nhỏ (1 triệu USD, tương đương 2,5 lần doanh thu phần mềm cả năm của FPT khi đó) và sẵn sàng chấp nhận tiêu hết có thể không đạt thành công như mong đợi.
Hai văn phòng ở Ấn Độ và Mỹ lần lượt được FPT nhanh chóng thành lập và rồi cũng nhanh chóng tan rã chỉ sau vài năm do không kéo về được hợp đồng như dự tính. “Quả thực là thời điểm đó, chúng tôi rất nản. Bản thân tôi có tới 6-7 năm làm việc cho công ty, hoạt động trong nước đang rất thuận lợi với nhiều khách hàng lớn… Vậy mà lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, anh em phải chịu cảnh ngồi không”, Phó TGĐ FPT Hoàng Việt Anh nhớ lại những ngày đầu cùng đồng đội tiến quân vào đất Mỹ. Phần lớn những gì FPT thu lại được sau lần toàn cầu hóa thứ nhất là những bài học kinh nghiệm.
Có thể đâu đó trên con đường chúng ta đi sẽ phát hiện ra sai lầm, nhưng nếu vượt qua những giới hạn bản thân, sống hết mình với khát vọng, thành công nhất định sẽ đến. |
Vượt qua tâm lý “chim sợ cành cong”, thất bại ở hai sân chơi lớn là Ấn Độ và Mỹ không làm người FPT nản lòng mà vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu Xuất khẩu phần mềm và nhanh chóng chuyển hướng sang Nhật - điều mà họ chưa từng nghĩ đến trước đó. Hành trang mà người FPT mang vào thị trường này là kinh nghiệm thất bại từ Ấn Độ, Mỹ và vốn tiếng Nhật bằng 0. “Chúng tôi biết là khi tiên phong thì nhiều khi có thể phải trả giá nhưng FPT chấp nhận sự trả giá đó. Sai thì sửa”, ông Bình nhấn mạnh.
Suốt 4 ngày trong tháng 12/2000, ông Trương Gia Bình khi đó phải “nhai đi nhai lại” một bài thuyết trình bằng tiếng Anh ở 20 điểm khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo cao cấp phía Nhật Bản đều không sử dụng tiếng Anh và người phiên dịch đã không truyền tải hết được tư tưởng của ông. Cuối cùng, cũng có một khách hàng là NTT-IT cảm nhận được nhiệt huyết của FPT và gửi e-mail hỏi FPT có muốn làm thử hay không. Người Nhật sẽ chọn bạn nếu thấy bạn thực sự quyết tâm. Nhờ sự kiên trì đó, FPT đã có được những hợp đồng đầu tiên trên đất Nhật, mở đường cho công ty tiến sâu hơn vào thị trường này, tạo bàn đạp cho công cuộc toàn cầu hóa của FPT.
Thành công xứ ta, liệu có thành công xứ người?
Nếu như FPT đi xuất khẩu phần mềm với nhiều con số 0 thì việc xuất khẩu các giải pháp công nghệ vào các nước đang phát triển lại có nhiều điểm thuận lợi bởi FPT đã triển khai thành công ở trong nước cho các ngành kinh tế trọng điểm quốc gia như thuế, ngân hàng, kho bạc, tài chính… Thế nhưng, việc mang các giải pháp này vào những quốc gia đang phát triển lại là câu chuyện khác.
Những rào cản về ngôn ngữ, sự phức tạp về mặt luật pháp, sự cạnh tranh gay gắt với các ông lớn công nghệ khác… là thách thức lớn với người tiên phong như FPT và khả năng thất bại hoàn toàn có thể xảy ra bởi FPT chưa từng có kinh nghiệm tại các thị trường này.
Khi FPT đầu tư vào Bangladesh, nhiều luồng ý kiến cho rằng đó là cuộc chơi đầy mạo hiểm bởi quốc gia này vốn đã được coi là sân sau của cường quốc CNTT Ấn Độ. Viết thầu quốc tế cũng là một thử thách không nhỏ vì nếu sai một bước là có thể dẫn đến tăng chi phí triển khai, nguồn lực… Tuy nhiên, với tinh thần không sợ sai, không sợ khó, FPT đã vượt qua hàng chục nhà thầu lớn đến từ các quốc gia mạnh về CNTT như Anh, Pháp, Canada, Trung Quốc… để lần lượt trúng 4 gói thầu tại Bangladesh với tổng giá trị lên tới gần 60 triệu USD chỉ sau 3 năm có mặt tại thị trường này.
Hay như ngay khi Myanmar vừa mở cửa, trong khi nhiều doanh nghiệp còn e dè rằng đây là thị trường quá mới, luật pháp vẫn còn nhiều thay đổi nên khá rủi ro, thì FPT với tinh thần không sợ sai đã “đổ bộ” và bắt đầu cuộc hành trình khai phá vùng đất này. Sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài; những khác biệt về văn hóa, tính cách của con người cũng là những rào cản không nhỏ cho việc “đóng dinh” của FPT ở xứ sở chùa vàng. Trên thực tế, đã có không ít doanh nghiệp Việt Nam sớm thất bại và nhanh chóng rút khỏi thị trường. Mảng phân phối của FPT trước đó cũng không đạt được thành công ở Myanmar. Coi thất bại là kinh nghiệm, FPT là một trong số ít doanh nghiệp quyết định ở lại kiên trì bám đuổi thị trường này. Nhờ tinh thần đó, sau 4 năm có mặt ở Myanmar, FPT đã có được nhiều hợp đồng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Chính phủ, ngân hàng, tài chính… Đặc biệt, đến tháng 2/2017, FPT đã trúng gói thầu dự án CNTT có giá trị lớn nhất trong khối Chính phủ Myanmar trị giá 11,3 triệu USD, đánh dấu bước tiến mới cho FPT tại đây.
Đầu tư cho những điều không tưởng, không thành công cũng thành nhân
Không chỉ liều lĩnh tham gia các thị trường xa lạ, FPT còn sẵn sàng ủng hộ nghiên cứu những công nghệ mới mẻ, thậm chí có những điều được coi là không tưởng và khá táo bạo như việc nghiên cứu và phóng vào không gian một vệ tinh mang thương hiệu FPT - Vệ tinh F1. Khi FPT thực hiện dự án này vào năm 2009, nhiều người hoài nghi bởi thực tế Việt Nam chưa có sự đầu tư cho lĩnh vực này và năng lực chế tạo cũng hạn chế. Bỏ ngoài tai những nghi ngại, FPT sẵn sàng ủng hộ, tài trợ cho các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, thử nghiệm. Dù không thành công nhưng với nhiều người FPT khi đó, F-1 không đơn thuần là một khối vật chất bé nhỏ, là 1 kg vi mạch và kim loại, mà còn chính là tinh thần mở lối tiên phong của FPT. Việc này đã khẳng định tiềm năng của người Việt vô cùng to lớn, đặc biệt là giới trẻ, những người có khả năng nắm bắt, làm chủ công nghệ với ước mơ, hoài bão và sự táo bạo.
Phía sau sự thành công của FPT là tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thử thách với tâm niệm "Không sợ sai" của những người FPT mở lối tiên phong. |
Tiếp nối cho việc sẵn sàng cho những điều không tưởng, năm 2017, khi các ông lớn như Google, Tesla, Uber… vẫn đang trong quá trình thử nghiệm xe tự hành thì ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software tuyên bố chiếc xe tự hành ứng dụng công nghệ do FPT phát triển sẽ lăn bánh vào tháng 10/2017. Tuyên bố này của ông Tiến ngay sau đó nhận được sự hoài nghi của rất nhiều người ông và đội ngũ chỉ có 6 tháng để hoàn thành dự định không mấy khả thi và luật pháp, giao thông của Việt Nam khó mà cho phép xe tự hành lăn bánh.
Dù biết khó khăn, thậm chí là thất bại nhưng FPT vẫn đầu tư cho dự án này bởi giấc mơ và quyết tâm phát triển các công nghệ mới trong mảng công nghệ ô tô. Thay vì chọn những người có kinh nghiệm, FPT lựa chọn 10 kỹ sư trẻ mà phần lớn đều là những sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học khác nhau. Dù có chung niềm đam mê to lớn với công nghệ, nhóm này hầu như không có kiến thức, khái niệm về ngành sản xuất ô tô, nhất là công nghệ về xe tự hành. "Ngày đầu làm không biết hướng đi, trong lúc mò mẫm nghiên cứu cũng có lúc nản lòng, nhưng mọi người động viên nhau tìm hiểu, thảo luận tìm giải pháp. Chính niềm tin và sự nỗ lực học hỏi, tinh thần làm việc không biết mệt mỏi đã giúp cả nhóm vượt khó khăn, đạt được các kết quả trong nghiên cứu", Nguyễn Đức Linh, thành viên đội dự án xe tự hành của FPT chia sẻ. Dành gần như trọn vẹn ngày và đêm để nghiên cứu, cuối cùng ngày 31/10/2017, chiếc xe ứng dụng công nghệ tự hành do các kỹ sư của FPT phát triển đã lăn bánh. Thành tựu này minh chứng một điều: có những điều tưởng như không tưởng, khi làm có thể gặp sai sót, thất bại nhưng nếu bản thân không quyết tâm dấn bước và thực hiện bằng mọi cách thì không thể đạt được thành công.
“Ngày hôm nay, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Trong cuộc cách mạng đó, mọi con đường đều mới mẻ, lạ lẫm. Thậm chí ngay cả nhiều ông lớn vẫn còn đang băn khoăn tự hỏi sẽ đi đâu về đâu trong cuộc cách mạng này. Đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn cho mỗi chúng ta - những người Việt trẻ dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và đầy nhiệt huyết. Có thể đâu đó trên con đường chúng ta đi sẽ phát hiện ra những sai lầm, nhưng nếu vượt qua được giới hạn bản thân, sống hết mình với khát vọng, thành công nhất định sẽ đến”, ông Trương Gia Bình nhắn nhủ.
Bích Hải